Thứ sáu, 03 Tháng 3 2023 15:10 Số truy cập:361
Cù Lao Chàm – Hội An được Tổ chức Văn hóa – Khoa học – Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới (DTSQ) vào năm 2009 bởi các giá trị đặc trưng về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An được phân thành 03 vùng chức năng, bao gồm: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Trong đó, Vùng lõi là toàn bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, với đặc trưng là các hệ sinh thái rừng và biển như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng đặc dụng,... nhằm mục đích bảo tồn lâu dài, đa dạng loài, các cảnh quan và hệ sinh thái. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, nghiên cứu các giá trị đa dạng sinh học rừng, biển đạt được những kết quả đáng kể. Đặc biệt, các nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều loài được ghi nhận tại rừng Cù Lao Chàm có giá trị về mặt bảo tồn và gắn kết hệ sinh thái, trong đó có loài Khỉ vàng.
Khỉ vàng tại Cù Lao Chàm là loài thú có kích thước lớn nhất trong số 15 loài Thú sinh sống trên đảo, đã được nghiên cứu trong thời gian qua. Chúng có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái rừng trong việc phát tán hạt giống cây rừng để phát triển và duy trì hoàn cảnh rừng trên đảo. Đây là loài động vật bậc cao, khá thông minh, có tính xã hội, hòa đồng, thích tương tác và dễ dàng thích nghi với cuộc sống giữa người và vật nuôi. Khỉ vàng có tập tính sinh sống theo bầy đàn, sống trên cây và kiếm ăn ở tầng thấp và mặt đất. Chúng rất thích ăn trái cây, tuy nhiên, đây là loài ăn tạp theo cơ hội và sẽ ăn những gì chúng có thể lấy được, bao gồm hạt, lá, cành, vỏ cây, động vật nhỏ, trứng,...
Khỉ vàng thuộc nhóm loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ, được quy định tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật rừng hoang dã nguy cấp.
Trong thời gian gần đây, không khó để bắt gặp những đàn khỉ tại các khu vực dân cư trên đảo, đặc biệt là tại thôn Bãi Làng. Chúng phá hoại cây cối, lấy đồ đạc và thức ăn trong nhà,v.v… gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do số lượng bầy, đàn tăng nhanh; sinh cảnh bị ảnh hưởng bởi những tác động khách quan khác và nguồn thức ăn trong tự nhiên hạn chế. Thêm nữa, trước đây người dân và du khách thường cho chúng thức ăn đã vô tình tạo cho chúng thói quen và có thể lâu dần mất đi tập tính kiếm ăn trong tự nhiên.
Để giải quyết những tác động của loài Khỉ vàng gây ra cũng như bảo tồn hệ sinh thái và các giá trị đa dạng sinh học trên đảo cần có các giải pháp mang tính chiến lược và sự vào cuộc của các bên liên quan, đặc biệt, là sự chung tay của cộng đồng và du khách. Trong đó, cộng đồng đã lựa chọn sống hài hòa nhằm cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học và cuộc sống người dân. Để làm được điều này, cộng đồng cần nắm bắt các thông tin và thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Không được cho Khỉ và các loài động vật hoang dã ăn hoặc để thức ăn thừa nơi chúng có thể tiếp cận. Nguồn thức ăn không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thay đổi bản năng kiếm ăn tự nhiên của các loài động vật hoang dã.
2. Không được tiếp xúc, vui đùa với Khỉ. Việc tiếp xúc gần, vui đùa với Khỉ có thể gây mất an toàn cho chính bạn.
3. Mọi hành vi săn bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, trong đó có Khỉ vàng là trái pháp luật.
4. Hãy đối xử thân thiện, không nên có những hành động xung đột với Khỉ để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.
5. Mỗi loài động vật nhỏ bé tại Cù lao Chàm cũng có thể là một loài đại diện đặc trưng góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học. Vì vậy, hãy chung tay hành động và tuyên truyền cho người thân, bạn bè, du khách để bảo tồn động vật hoang dã vì một Cù Lao Chàm – niềm tự hào Rừng nhiệt đới!
Thúy Trang - KBTB CLC
Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng
Du lịch sinh thái cộng đồng Cù Lao Chàm
Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An